Từ khát vọng về quyền sống, quyền độc lập, tự do
Đầu những năm 1930, 1931 tình hình kinh tế khủng hoảng trầm trọng của chủ nghĩa tư bản lan đến nước ta. Chính phủ Đông Dương do bọn tư bản độc quyền chi phối áp dụng hàng loạt biện pháp kinh tế - tài chính nhằm tăng cường bóc lột thuộc địa, cướp bóc tài sản của nhân dân Việt Nam để chống đỡ với tai họa của cuộc khủng hoảng: thuế cao, sưu dịch nặng, quan lại cường hào áp bức hà khắc, chính sách khủng bố trắng tràn lan. Những chính sách mà Pháp thi hành ở Đông Dương tác động xấu đến tình hình kinh tế - xã hội, làm cho nền kinh tế Đông Dương vốn phụ thuộc nặng nề vào nền kinh tế Pháp đã nhanh chóng suy thoái: kinh tế điêu đứng, nông nghiệp nghèo nàn, công nghiệp suy sụp, xuất và nhập khẩu đình đốn, hàng hóa khan hiếm, giá cả leo thang; đồng thời, cũng làm cho tình hình chính trị ngột ngạt, đời sống của nhân dân Đông Dương sa sút nghiêm trọng, nhất là giai cấp công nhân và nông dân. Từ thành thị cho tới nông thôn, tình trạng thất nghiệp, đói kém ngày càng trầm trọng, làm cho những mâu thuẫn vốn có trong xã hội bộc lộ sâu sắc hơn, gay gắt hơn, nhất là mâu thuẫn giữa nhân dân Việt Nam với thực dân Pháp và mâu thuẫn giữa giai cấp nông dân với giai cấp địa chủ phong kiến. Trước sự áp bức, bóc lột ngày càng trầm trọng, phong trào cách mạng của các tầng lớp nhân dân ngày càng sục sôi. Sự áp bức bóc lột vô nhân đạo của đế quốc Pháp đã làm cho đồng bào ta hiểu rằng có cách mạng thì sống, không có cách mạng thì chết. Vì vậy khát vọng sống, khát vọng độc lập tự do trở thành động lực lớn hơn bao giờ hết.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập ngày 3/2/1930, vừa mới ra đời Đảng đã tổ chức và lãnh đạo một phong trào quần chúng lớn mạnh, xưa nay chưa từng có trong cả nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh của Nhân dân bùng lên mạnh mẽ từ đầu năm 1930 trên khắp cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Phong trào đấu tranh đặc biệt mạnh mẽ từ Ngày Quốc tế lao động 01/5/1930, lần đầu tiên công nông và dân chúng tỏ rõ dấu hiệu đoàn kết với vô sản thế giới và biểu dương lực lượng của mình. Từ thành phố đến nông thôn, trên cả ba miền đất nước đã xuất hiện nhiều truyền đơn, cờ Đảng, mít tinh, bãi công, biểu tình, tuần hành thị uy. Cao trào cách mạng do Đảng chủ trương và phát động đã diễn ra trên 25 tỉnh thành trong cả nước, trong đó Nghệ - Tĩnh là nơi phong trào phát triển mạnh mẽ nhất.
Phong trào đấu tranh của nhân dân Nghệ Tĩnh được mở đầu bằng cuộc đấu tranh của công - nông Vinh - Bến Thủy vào ngày 01/5/1930. Nhân dân các huyện Nghi Xuân, Hương Khê, Thanh Chương, Đô Lương hưởng ứng, tổ chức treo cờ, mít tinh, diễu hành, đấu tranh kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930.
Từ đấu tranh chính trị, quần chúng đã biểu tình với những vũ khí thô sơ. Mở đầu thời kỳ đấu tranh vũ trang là cuộc biểu tình của khoảng 3.000 nông dân Nam Đàn ngày 30/8/1930 buộc tri huyện phải ký nhận vào bản yêu sách của nhân dân. Ngày 1/9/1930, tại Thanh Chương đã nổ ra cuộc biểu tình với quy mô rộng của trên 2 vạn nông dân trong 5 tổng. Trong hai ngày 7 và 8/9/1930, hàng ngàn nông dân các huyện Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên phối hợp biểu tình, kéo về tỉnh lỵ Hà Tĩnh… vùng lên đấu tranh mạnh mẽ.
Từ giữa tháng 9/1930, phong trào đấu tranh của quần chúng chuyển biến vượt ra ngoài dự kiến của các cấp bộ Đảng. Quần chúng đã vũ trang tự vệ, biểu tình thị uy có vũ trang, tiến công vào cơ quan chính quyền của địch ở địa phương. Đặc biệt, cuộc đấu tranh của hơn 8.000 nông dân Hưng Nguyên nổ ra ngày 12/9/1930 để hưởng ứng cuộc đấu tranh của nông dân các huyện và cuộc bãi công của công nhân Vinh - Bến Thủy, phản đối chính sách khủng bố của bọn thực dân và phong kiến tay sai. Thực dân Pháp cho máy bay tới ném bom, làm 217 người chết, 125 người bị thương, càng làm cho phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân vùng lên như bão táp. Những cuộc biểu tình có vũ khí thô sơ có sự hỗ trợ của Đội Tự vệ đỏ, nông dân nhiều huyện ở Nghệ Tĩnh dồn dập tấn công huyện đường. Trước cao trào cách mạng của quần chúng, chính quyền cai trị bị rối loạn, ở nhiều xã bị tan rã. Các tổ chức cơ sở đảng ở địa phương đã kịp thời lãnh đạo quần chúng thực hiện quyền làm chủ, tự đứng ra quản lý đời sống của mình, thực hiện nhiệm vụ của chính quyền nhân dân theo hình thức Xô viết.
Ngay từ khi ra đời, chính quyền Xô viết đã thực hiện các quyền lợi cho người dân lao động. Về chính trị: Xô viết không thừa nhận bộ máy chính quyền của thực dân, phong kiến, thực hiện các quyền tự do, dân chủ cho nhân dân như tự do hội họp, tự do đi học, nam nữ bình quyền. Tổ chức giáo dục chính trị cho nhân dân và động viên mọi người phát huy nhiệt tình cách mạng và vai trò làm chủ của của mình vào việc xây dựng, quản lý xã hội mới; tổ chức hoà giải những xích mích trong nội bộ nhân dân; trấn áp bọn phản động làm tay sai cho thực dân Pháp, giao nhiệm vụ giữ gìn trật tự trị an và bảo vệ cách mạng cho các đội tự vệ đỏ...
Về kinh tế, không nạp sưu thuế cho Pháp và buộc các tổng lý phải trả lại cho Nhân dân số tiền thuế đã thu, buộc các chủ ruộng, các nhà giàu phải giảm tô, hoãn nợ và bỏ các khoản địa tô phụ cho nông dân, quy định lại mức tiền công cho những người làm thuê chia lại ruộng công... một số nơi còn sử dụng ruộng đất công tổ chức cho nhân dân sản xuất tập thể theo hình thức hợp tác xã nông nghiệp. Về văn hóa - xã hội: Bài trừ các hủ tục lạc hậu, cấm hút thuốc phiện, uống rượu, đánh bạc, vận động phụ nữ cải cách trang phục cho gọn và bỏ các tục lệ cưới hỏi phiền hà, tốn kém.
Những chính sách và biện pháp đó được các xã bộ nông thực hiện đã tạo ra một khí sắc mới trong nông thôn. Nhân dân ngày đêm sống trong không khí tưng bừng, lành mạnh, đầy tình thân ái. Lần đầu tiên được quyền làm chủ xã hội với lòng tin sâu sắc đối với Đảng, với cách mạng, mọi người đều đem hết nhiệt tình của mình góp phần vào công việc xây dựng và bảo vệ chính quyền mới. Những tiếng gọi "cộng sản", “xã hội” bao hàm ý nghĩa thiêng liêng, vừa là lý tưởng, vừa là khẩu hiệu hành động của quần chúng. Họ sẵn sàng hy sinh tính mạng và tài sản để chống lại chính sách khủng bố của thực dân Pháp, bảo vệ Xô viết.
Chính quyền Xô viết là đỉnh cao của cao trào cách mạng, là cuộc đấu tranh giai cấp “long trời, lở đất” của nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng. Mặc dù ra đời và tồn tại trong khoảng thời gian ngắn, nhưng Xô viết đã tỏ rõ tính ưu việt và bản chất tiến bộ của một chính quyền cách mạng của dân, do dân và vì dân; là thành quả của khát vọng tự do, hạnh phúc của nhân dân, đồng thời đem lại cho đông đảo quần chúng công - nông lòng tin ở sức mạnh của mình.
Đến khát vọng xây dựng quê hương phồn vinh, hạnh phúc
Xô viết Nghệ Tĩnh là bước thắng lợi đầu tiên có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ tiến trình phát triển về sau của cách mạng, phong trào tuy thất bại nhưng đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của Nhân dân lao động Việt Nam. Nó đã ảnh hưởng một cách trực tiếp và toàn diện đến những giai đoạn sau của cách mạng Việt Nam nói chung và tinh thần cách mạng trên quê hương Nghệ An nói riêng.
Phát huy tinh thần Xô viết Nghệ - Tĩnh trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, Đảng bộ tỉnh Nghệ An đã vận dụng mọi nguồn lực, phát huy những giá trị cao đẹp, bản sắc vắn hoá xứ Nghệ, sức mạng đại đoàn kết trong Nhân dân vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ hàng đầu, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình phát triển.
Trên hành trình hiện thực hóa “khát vọng sông Lam” trong tầm nhìn trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030, tỉnh phát triển nhanh, biền vững, toàn diện văn minh và hiện đại vào năm 2045. Toàn hệ thống chính trị đã nêu cao hành động “Đổi mới, sáng tạo, thi đua xây dựng Nghệ An phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng là trung tâm kết nối phát triển của vùng Bắc Trung Bộ”; các phong trào Thi đua yêu nước trên địa bàn được phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu đang tạo động lực quan trọng cho khát vọng trở thành tỉnh khá như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn. Nhìn lại những năm vừa qua, dù bối cảnh hết sức khó khăn song tỉnh nhà có nhiều điểm sáng trên các lĩnh vực. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 5,79%, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân 6 tháng đầu năm của cả nước (đạt 3,72%). Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ vẫn giữ được mức tăng trưởng tốt. Thu hút được 08 dự án FDI với số vốn đăng ký gần 614 triệu USD; tiếp tục vươn lên vị trí thứ 8/63 tỉnh, thành trong cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các lĩnh vực văn hoá - xã hội, an sinh xã hội được quan tâm, thực hiện đầy đủ kịp thời các chế độ, chính sách. Công tác quản lý nhà nước, cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Hiện nay, Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 18/7/2023 về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tập trung vào 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Đây động lực, nguồn lực, cơ hội để Nghệ An tập trung vào những giải pháp chỉ đạo, lãnh đạo đúng trọng tâm, trọng điểm, xác định và tháo gỡ các nút thắt trong phát triển kinh tế, trong cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút đầu tư. Để thực hiện tốt các nhiệm vụ này cần sự thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy, khơi dậy khát vọng phát triển toàn diện, nhanh, mạnh hơn trong toàn hệ thống chính trị và nhân dân. Nhất là quan tâm phát huy truyền thống, văn hoá mang đậm bản sắc xứ Nghệ trở thành động lực, nguồn lực nội sinh cho phát triển. Từ đó, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển từ trong nội lực Nhân dân; sự thay đổi nhận thức và quyết tâm đổi mới tư duy trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhằm tạo sức bật mới phát triển Nghệ An thành tỉnh khá của cả nước, là trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ vào năm 2030.