PHAN ĐĂNG LƯU - NHÀ LÃNH ĐẠO TIỀN BỐI XUẤT SẮC CỦA ĐẢNG VÀ CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Thứ ba - 05/04/2022 04:49

PHAN ĐĂNG LƯU 1902-1941

PHAN ĐĂNG LƯU 1902-1941
Đồng chí Phan Đăng Lưu sinh ngày 05-5-1902 ở thôn Đông, xã Hoa Thành (trước là Tràng Thành), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình nhà nho yêu nước. Được giáo dục truyền thống tốt đẹp của gia đình và quê hương, ngay từ những năm tháng tuổi trẻ học đường, Phan Đăng Lưu đã ấp ủ hoài bão đưa nước ta theo con đường phát triển, tự do, độc lập nhằm mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân
                   Đồng chí Phan Đăng Lưu sinh ngày 05-5-1902 ở thôn Đông, xã Hoa Thành (trước là Tràng Thành), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình nhà nho yêu nước. Được giáo dục truyền thống tốt đẹp của gia đình và quê hương, ngay từ những năm tháng tuổi trẻ học đường, Phan Đăng Lưu đã ấp ủ hoài bão  đưa nước ta theo con đường phát triển, tự do, độc lập nhằm mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân. Ở tuổi thanh niên, với tinh thần ham học hỏi, tìm tòi cái mới và gần gũi với nhân dân, đồng chí đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng: phải đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược và bè lũ phong kiến tay sai mới có thể cứu được nước, cứu được nhà, mới có thể chấn hưng đất nước. Qua nhiều năm hoạt động cách mạng, Phan Đăng Lưu đã trưởng thành từ một đảng viên và cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Tân Việt Cách mạng Đảng (tiền thân là Hội Phục Việt), đồng chí đã trở thành đảng viên và cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), đồng chí được giao trọng trách Xứ ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ (1936-1937), Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (1937-1939). Khi toàn bộ Ban chấp hành Trung ương Đảng  bị bắt (1940), chỉ còn một mình Phan Đăng Lưu là Ủy viên Ban chấp hành Trung  ương Đảng, đồng chí đã chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam, duy trì phong trào cách mạng. Vào cuối tháng 10-1940, sau khi đã cố gắng trì hoãn  cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, Phan Đăng Lưu đã từ Nam ra Bắc cùng với xứ ủy Bắc Kỳ tổ chức Hội nghị tái lập Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Hội nghị Trung ương lần thứ bảy). Tại Hội nghị này, Phan Đăng Lưu đã cùng các đồng chí dự Hội nghị đề cử đồng chí Đặng Xuân Khu (tức Trường Chinh) làm quyền Tổng Bí thư của Đảng.
          Phan Đăng Lưu là một chiến sỹ cộng sản kiên cường, mẫu mực, có lòng yêu nước sâu sắc, một nhà lãnh đạo cách mạng có tầm nhìn xa trông rộng, đầy mưu lược, khôn khéo, dũng cảm, kiên cường; một nhà báo, nhà văn và một nhà lý luận tiên phong xuất sắc, tiêu biểu của Đảng và cách mạng nước ta. Những bài báo, bài viết của đồng chí Phan Đăng Lưu phản ánh sâu sắc thực tiễn đất nước, tố cáo tội ác của thực dân Pháp và bè lũ tay sai, nêu cao khí tiết cách mạng của người chiến sĩ cộng sản  trong lao tù đế quốc. Trên bước đường đấu tranh đầy gian khổ, dù trong chốn lao tù, trước những thủ đoạn tra tấn dã man của kẻ thù, đồng chí Phan Đăng Lưu vẫn nêu cao phẩm chất cách mạng trong sáng, thủy chung, lòng trung thành vô hạn với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, luôn lạc quan, tin tưởng vào tương lai và sự tất thắng của cách mạng Việt Nam. Với 39 tuổi đời (1902-1941), 16 năm hoạt động cách mạng, 11 năm tuổi Đảng, hơn 7 năm bị giam cầm trong lao tù đế quốc, Phan Đăng Lưu đã cống hiến cả trí tuệ, đạo đức, tài năng và công sức của mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của nhân dân, trở thành nhà lãnh đạo cách mạng tiền bối xuất sắc của Đảng ta. Đồng chí đã đảm nhiệm nhiều chức vụ cao cấp của Đảng: Ủy viên xứ ủy lâm thời Trung Kỳ, Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng… Dù ở cương vị nào, đồng chí cũng đều nổi tiếng là người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trí tuệ, đạo đức và tài năng của đồng chí đã góp phần to lớn chuẩn bị tiến tới Cách mạng Tháng Tám thành công rực rỡ năm 1945. Những cống hiến to lớn và tấm gương cộng sản sáng ngời của Phan Đăng Lưu mãi mãi được toàn Đảng, toàn dân ta và các thế hệ mai sau đời đời trân trọng, ghi nhớ, biết ơn sâu sắc.

Nguồn tin: Nguyễn Khắc Đề

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây