Trong thời gian qua, công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm, đàn chó có chuyển biến tích cực, nhiều địa phương đã vào cuộc chỉ đạo quyết liệt nên tỷ lệ tiêm phòng đạt tỷ lệ cao hơn so với các năm trước, tình hình sức khỏe đàn vật nuôi tương đối ổn định... Bên cạnh đó vẫn còn một số địa phương công tác chỉ đạo chưa quyết liệt, chưa huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc... nên tỷ lệ tiêm phòng đạt tỷ lệ thấp; tình hình Dịch tả lợn Châu Phi vẫn xảy ra tại một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại các xã Hoa Thành, Hậu Thành, Văn Thành; công tác quản lý chó nuôi chưa đảm bảo quy định (Hộ nuôi chó không đăng ký nuôi với chính quyền địa phương, chó còn thả rông...) dẫn đến chó cắn người làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân trên địa bàn.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do các xã chưa làm tốt công tác tuyên truyền vận động, tổ chức tiêm phòng chưa chặt chẽ, chưa chỉ đạo kiên quyết công tác tiêm phòng; chưa xử lý hành chính đối với những tổ chức, cá nhân không chấp hành việc tiêm phòng cho gia súc, gia cầm; chưa quản lý tốt công tác xuất, nhập đàn và tiêm phòng tại cơ sở chăn nuôi; một số xã còn để thú y cơ sở tự tổ chức, bố trí đi tiêm nên hiệu quả không cao.
Theo đó, Chủ tịch UBND huyện yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, thị trấn và Thủ trưởng các phòng ban ngành liên quan tổ chức tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt một số nội dung sau:
1. UBND các xã, thị trấn.
- Thành lập Ban chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên để tập trung đôn đốc, chỉ đạo tiêm phòng gia súc, gia cầm vụ Thu năm 2023 đảm bảo chất lượng, an toàn, đạt và vượt chỉ tiêu huyện giao.
- Thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh gia súc, gia cầm, nguy cơ dịch bệnh phát sinh, lây lan diện rộng; hướng dẫn người dân tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; hằng ngày vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại, khu vực chăn nuôi; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm; tuyên truyền người chăn nuôi không tái đàn khi chưa đảm bảo điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, tuyệt đối không vứt xác lợn chết ra môi trường mà phải tiêu hủy đúng quy định.
- Thực hiện kê khai sản xuất ban đầu trên Hệ thống Dichvucong.nghean.gov.vn và trên phần mềm cơ sở dữ liệu chăn nuôi để có cơ sở điều kiện hỗ trợ khi có thiên tai dịch bệnh xảy ra.
- Rà soát, tổ chức tốt công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm vụ Thu 2023, đảm bảo đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn thuộc diện phải tiêm. Phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp tổ chức thí điểm tiêm phòng 01 xóm/khối, sau đó rút kinh nghiệm để nhân ra diện rộng các xóm/khối còn lại; hộ nào chống đối xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
- Bố trí kinh phí, tủ bảo quản vắc xin, thuốc chống sốc cho công tác tiêm phòng và phòng chống dịch bệnh trên địa bàn xã; theo dõi sức khỏe và xử lý kịp thời gia súc, gia cầm phản ứng sau tiêm phòng.
- Thời gian tiêm phòng gia súc, gia cầm vụ thu năm 2023 bắt đầu từ 15/9/2023-15/10/2023 (Đối với vắc xin Viêm da nổi cục trâu bò tiêm trước hoặc sau các loại vắc xin khác của trâu, bò 07 ngày).
- Quá trình tiêm phòng, UBND các xã tiếp tục rà soát tổng đàn, bổ sung chỉ tiêu tiêm phòng, đảm bảo không bỏ sót; đồng thời cán bộ tiêm phòng và hộ chăn nuôi phải thực hiện nghiêm các biện pháp bảo hộ, phòng chống dịch bệnh.
- Quản lý chặt chẽ các hoạt động giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm trên địa bàn; việc giết mổ gia súc, gia cầm để kinh doanh phải được thực hiện tại cơ sở giết mổ tập trung và phải được đóng dấu kiểm soát giết mổ theo đúng quy trình kiểm soát giết mổ theo quy định tại Thông tư số 09/2016/TT-BNNPTNT ngày 01/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT “Quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra sệ sinh thú y”, sản phẩm đưa ra thị trường đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, không để lây lan dịch bệnh cho động vật.
- Thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn người chăn nuôi trong phòng, chống dịch, tiêm phòng vắc xin, tiêu độc khử trùng... Kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, giết mổ, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đặc biệt trong buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, giết mổ trong khu dân cư; sản phẩm động vật không có dấu kiểm soát giết mổ theo quy định.
- Chỉ đạo các trang trại chăn nuôi, người chăn nuôi chấp hành nghiêm công tác tiêm phòng theo đúng luật Thú y, thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT, ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp & PTNT quy định về phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn. Các trang trại chăn nuôi phải xây dựng lịch tiêm phòng cụ thể, báo cáo với chính quyền địa phương khi tổ chức thực hiện và ghi chép nhật ký tiêm phòng các loại vắc xin đầy đủ để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra theo quy định.
- Những tổ chức, cá nhân không chấp hành tiêm phòng vắc xin các bệnh bắt buộc và không thực hiện kê khai sản xuất ban đầu thì bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ, Nghị định số 04/2020/NĐ-CP ngày 03/01/2020 của Chính phủ và Nghị định 14/2021/NĐ-CP ngày 01/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi, khi có dịch, thiên tai xảy ra không được hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước theo quy định.
- Báo cáo kết quả tiêm phòng, đánh giá thuận lợi, khó khăn, lập danh sách, nêu rõ lý do cụ thể số gia súc, gia cầm chưa tiêm phòng; số hộ, tổ chức, cá nhân không chấp hành tiêm phòng; số trường hợp đã xử lý vi phạm hạnh chính trên địa bàn về UBND huyện (Qua Phòng Nông nghiệp và PTNT và Trung tâm dịch vụ nông nghiệp), đồng thời hoàn thành hồ sơ quyết toán các loại vắc xin được cấp trước ngày 20/10/2023.
2. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp.
- Theo dõi chặt chẽ, tổng hợp tình hình bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện để kịp thời báo cáo, tham mưu phòng chống dịch phù hợp, hiệu quả; chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, vắc xin phục vụ công tác tiêm phòng, tiêu độc khử trùng và xử lý ổ dịch.
- Cử cán bộ tăng cường xuống cơ sở để đôn đốc, hướng dẫn công tác tiêm phòng, nắm bắt tình hình dịch bệnh; chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch mới phát sinh; tham mưu chính quyền địa phương xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không khai báo dẫn đến dịch bệnh lây lan, gây ảnh hưởng cho người dân và cộng đồng.
- Phối hợp với UBND cấp xã tổ chức rà soát và thực hiện tiêm thí điểm mỗi xã 1 xóm/khối, sau đó rút kinh nghiệm để nhân ra diện rộng các xóm/khối còn lại.
- Tổng hợp, báo cáo kết quả của các đoàn kiểm tra công tác tiêm phòng, tình hình dịch bệnh, xử lý các trường hợp vi phạm trên địa bàn huyện về UBND huyện (Qua phòng Nông nghiệp và PTNT).
3. Phòng Nông nghiệp và PTNT.
- Chỉ đạo, đôn đốc các xã, thị trấn rà soát, thực hiện tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm đạt hiệu quả cao; công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi tại các địa phương.
- Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp đôn đốc công tác tiêm phòng tại các địa phương; thường xuyên cập nhật số liệu tiêm phòng của các xã, thị trấn, thường xuyên kiểm tra việc bảo quản vắc xin, đánh giá công tác triển khai, kết quả tiêm phòng gia súc, gia cầm các xã, thị trấn, tham mưu UBND huyện kịp thời biểu dương các tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đồng thời phê bình, kiểm điểm các tập thể, cá nhân thực hiện chậm tiến độ, tỷ lệ tiêm phòng thấp và xử lý các tổ chức, cá nhân không chấp hành việc tiêm phòng vắc xin bắt buộc theo quy định.
- Tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, báo cáo UBND huyện để xử lý kịp thời.
4. Đề nghị Ủy ban MTTQ huyện và các đoàn thể cấp huyện.
Chỉ đạo các cơ sở của đơn vị mình tuyên truyền nâng cao nhận thức của đoàn viên, hội viên chấp hành chủ trương tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm trong phòng, chống dịch bệnh; xem xét đưa chỉ tiêu vận động tiêm phòng vào tiêu chí thi đua, xếp loại cuối năm.
5. Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền thông.
- Phối hợp với Phòng Nông nghiệp & PTNT, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân tham gia tiêm phòng gia súc, gia cầm đầy đủ.
- Thông tin kịp thời tiến độ tiêm phòng gia súc, gia cầm vụ Thu và công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn huyện.
Mời quý độc giả tải toàn bộ nội dung văn bản tại đây